Hiện nay, tình hình sản xuất rau trên địa bàn thành phố có khoảng 220ha, trong đó được phê duyệt quy hoạch 5 vùng sản xuất rau an toàn tại các phường, xã: Đa Mai, Song Mai, Tân Mỹ và Tân Tiến. Sản phẩm rau an toàn được sản xuất ra theo tiêu chuẩn an toàn từng bước đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản đang được các cơ quan quản lý và người tiêu dùng quan tâm. Muốn rau an toàn phát triển, trước tiên phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan có thẩm quyền; sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể.
Rau an toàn là những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả có chất lượng đúng như đặt tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là “rau an toàn”. Trong sản xuất rau an toàn đảm bảo các chất sau không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép như:
– Dư lượng hoá chất BVTV (thuốc sâu, thuốc cỏ, kích thích sinh trưởng…).
– Số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh.
– Dư lượng đạm nitrat (NO3).
– Dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, kẽm, đồng…).
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp phân bón và thuốc BVTV không thể thiếu, góp phần tăng năng suất cây trồng, hạn chế sâu bệnh hại nhưng nếu sử dụng quá mức cho phép sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe cộng đồng. Mặt khác đây cũng là một trong những tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Trên thực tế hiện nay, một số hộ nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa đúng theo quy định, không theo đúng nguyên tắc 4 đúng. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường góp phần tạo điều kiện cho nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố khuyến cáo các hộ nông dân trong quá trình sản xuất rau an toàn một số lưu ý khi sử dụng phân bón và thuốc BVTV như sau:
* Sử dụng phân bón trong sản xuất rau an toàn cần tuân theo những nguyên tắc sau :
– Phải đảm bảo đúng chủng loại, liều lượng, thời gian bón, cách bón, thời gian cách ly theo quy trình cho từng loại rau (đặc biệt đối với rau ăn lá phải kết thúc bón trước khi thu hoạch sản phẩm đối với phân hữu cơ là 15 ngày, phân vô cơ là 10 ngày).
– Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phân vi sinh, phân khoáng từ nguồn tự nhiên (tro thực vật, vôi, bột đá…) để bón cho rau.
– Tuyệt đối không sử dụng phân tươi, phân ủ từ rác thải đô thị. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học, đậu tương, ốc đã ngâm ủ oai mục để bón cho rau.
– Chỉ sử dụng các loại phân bón trong Danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam. Trên thị trường bán một số loại phân vô cơ có tên thương hiệu uy tín như: phân DAP, phân Ure, phân NPK, phân lân… Liều lượng bón phân cho rau bằng phân vô cơ phải tuân thủ theo sự hướng dẫn trên bao bì, để đảm bảo an toàn nên pha phân vô cơ với nước sạch để tưới cho rau với tỉ lệ 1-3% (trên các loại phân hữu cơ thấy những con số kèm theo % đó là tỉ lệ % hàm lượng nguyên chất hữu cơ có trong bao phân) tùy vào rau còn nhỏ hay trưởng thành.
Lưu ý: Nên tưới lúc chiều mát trời không mưa.
* Sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau an toàn cần tuân theo các yêu cầu sau :
– Sử dụng thuốc BVTV theo ngưỡng kinh tế: Tiết kiệm được chi phí, giữ cân bằng sinh học trên đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Sử dụng thuốc an toàn với thiên địch: Lựa chọn thuốc ít độc hại, chọn thời gian và phương thức xử lý ít ảnh hưởng với thiên địch.
– Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng chủng loại, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm (đúng lúc), đúng kỹ thuật (đúng cách).
– Sử dụng thuốc có chọn lọc: Không sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm, nhãn mác không có tiếng Việt, thuốc quá hạn. Ưu tiên sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc trừ sâu sinh học.
– Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau như: Padan, Furadan, Wofatox, Thiodan…; Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: Sử dụng các thuốc hóa học như: Reasgant 3.6 EC, Bionite, Bemab 52 WG…; Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc) như: Tasieu, Angun, Sokopi…
Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch nông sản từ 7-15 ngày theo đúng hướng dẫn trên nhãn mác của từng loại thuốc.