Sản xuất nông nghiệp bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu. Do vậy, việc sử dụng phân bón an toàn đối với lĩnh vực trồng trọt ngày càng trở nên cần thiết, nhằm hình thành các vùng canh tác chuyên canh, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm cuộc sống con người…
Tỉnh Sơn La có hơn 300.000 ha đất nông nghiệp là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Phần lớn đất đai còn màu mỡ, tầng canh tác dày, thuận lợi để thâm canh tăng năng suất cây trồng; có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Từ năm 2017, định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả trên đất dốc, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sạch và an toàn. Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất nông sản an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Vấn đề về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện đang là một trong những trở ngại lớn với uy tín hàng hóa, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh. Phần lớn nông dân sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất do có ưu điểm nhanh, tiện lợi, với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt” cho nên lượng phân bón hóa học thường được bón tăng gấp hai đến ba lần so với nhu cầu, chưa chú trọng đến cân bằng của các loại chất dinh dưỡng trong đất bằng các chất hữu cơ. Thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy…, gây nguy hại đến sức khỏe không những cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Trước nhu cầu an toàn nông sản trong xu thế hội nhập toàn cầu và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trong nước, Cục Bảo vệ thực vật và Tổ chức Croplife Việt Nam đã triển khai Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại một số địa phương trong tỉnh Sơn La. Qua đó, hỗ trợ các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị xuất khẩu nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn. Sau hai năm triển khai, chương trình thu được nhiều kết quả tích cực, một mặt thay đổi tập quán canh tác chỉ dựa vào các loại phân bón hóa chất của nông dân bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật an toàn; mặt khác, nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng, góp phần tiêu dùng an toàn trong nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia đòi hỏi cao về an toàn nông sản.
Một trong những dưỡng chất phục vụ cây trồng đang được nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp áp dụng hiện nay là phân bón Nano. Mới đây, Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học: “Dưỡng chất Nano cho cây trồng”. Sản phẩm hiện đang được ứng dụng thử nghiệm trên cây trồng tại nhiều nơi. Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Xuân, Trần Hữu Chung (xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh), đơn vị đang sử dụng thử nghiệm dưỡng chất Nano, cho biết, xác định vật liệu Nano là một trong những nền tảng quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho nên ngay từ trong quá trình cải tạo đất, thử nghiệm giống cây trồng HTX đã chủ động và nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học để ứng dụng thử nghiệm phân bón Nano. Ðơn vị đã đưa vào ứng dụng thử nghiệm phân từ tháng 1-2018 trên cây đinh lăng, đậu tương đen, nghệ vàng và măng tây xanh với mỗi loại cây một héc-ta. So với cây trồng sử dụng phân bón thông thường, thực tế ứng dụng cây trồng có sử dụng phân bón Nano phát triển nhanh hơn trên vùng đất mới cải tạo, còn nghèo dinh dưỡng, cho năng suất cao hơn. Ðất trồng sử dụng phân bón Nano sau thu hoạch tơi xốp hơn, nhiều vi sinh vật tồn tại hơn và ít bạc màu hơn. Và quan trọng, nông sản sau thu hoạch được bảo đảm an toàn.
Hiện nay, không riêng HTX nông nghiệp Trường Xuân, trên cả nước đã có một số địa phương thử nghiệm phân bón Nano trên cây trồng. Theo đánh giá của người nông dân, đây là loại phân bón dễ sử dụng và có nhiều ưu điểm, do đó mong muốn các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu và phổ biến rộng rãi cho ngành trồng trọt, vốn đang chịu rất nhiều tác động tiêu cực do thoái hóa đất và biến đổi khí hậu gây ra.
Tác dụng của phân bón an toàn là bảo vệ tốt môi trường sinh thái, nâng cao độ màu mỡ của đất, không gây hại cho sức khỏe con người, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ổn định bền vững. Ðể phân bón an toàn được sử dụng rộng rãi, cần sự vào cuộc đồng bộ cả của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen và nhận thức sản xuất của người dân để thực hiện theo phương pháp sản xuất an toàn, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông sản an toàn. Thông qua đó, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn dựa trên cơ sở chuỗi giá trị.