Nông sản Việt tiếp tục chinh phục thị trường khó tính

Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thực thi (từ tháng 8/2020) đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có dấu hiệu tăng mạnh. Thời gian qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là nông sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng trưởng đều đặn.

Lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Tín hiệu vui từ EVFTA

Với EVFTA, các mặt hàng nông sản của Việt Nam được nhận định sẽ tạo được lực đẩy để tiến sâu hơn vào các thị trường các nước ở khu vực Bắc Âu. Số liệu của Bộ Công thương cho biết, chỉ sau 5 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 3,8%. Còn 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Mặc dù là một thị trường khó tính với những quy định kiểm soát hàng hóa vô cùng khắt khe, song, với hàng hóa Việt gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, cho thấy, các DN Việt ngày càng coi trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để có thể đạt được những yêu cầu đưa ra từ phía đối tác.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc thực thi EVFTA với các tiêu chuẩn cao là động lực tiếp tục thúc đẩy DN cải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nhất là gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng hóa xuất khẩu. Bởi vậy với những DN, ngành hàng nào không nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất, không tuân thủ các quy định quốc tế, cơ hội nắm bắt thị trường này hầu như “bằng 0”.

Điều này khiến nhà quản lý không khỏi lo lắng đối với ngành nông sản nước nhà, bởi xưa nay nông sản vẫn “bị tiếng” là sản xuất manh mún, không có quy trình khép kín, và nếu không thay đổi, chắc chắn sẽ không thể tiếp cận được thị trường EU. Tuy nhiên, thực tế sau khi EVFTA được thực thi, những lo lắng đối với ngành nông sản đang dần được gỡ bỏ khi mà nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản được xuất khẩu sang thị trường này với mức tăng trưởng khá mạnh mẽ. Điều này cho thấy, những quy định khắt khe của thị trường khó tính này không hề “làm khó” cho DN Việt, ngược lại, còn trở thành động lực để hàng Việt nâng cao chất lượng.

Vải thiều Thanh Hà lần đầu tiếp cận thị trường Châu Âu

Mới đây nhất, thông tin về việc lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Hải Dương -đặc sản vải thiều Thanh Hà đã lên đường chinh phục thị trường Châu Âu tiếp tục là minh chứng cho thấy, nông sản Việt hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội từ  EVFTA.

Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc những lô vải đầu tiên của Việt Nam đặt chân sang thị trường Châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cho thấy những nỗ lực lớn của các DN, chính quyền địa phương, các bộ, ngành trong việc xúc tiến tiêu thụ trái vải nói riêng, nông sản nói chung thời gian qua.

Theo ông Phú, lô trái vải đầu tiên sẽ đi đường hàng không và “cập bến” cộng hoà Séc – nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU. Đại diện Bộ Công thương cho biết, tiếp sau vải thiều Thanh Hà của Hải Dương sẽ có những lô vải thiều của Bắc Giang đặt chân sang thị trường này.

Nhìn lại những vụ mùa trước, trái vải của bà con nông dân thường xuyên lâm cảnh “ế thừa”, được mùa rớt giá, bán rẻ như cho. Thế nhưng hiện nay, vị thế của trái vải đã thay đổi khi bước chân sang một thị trường khó tính như thị trường châu Âu. Điều này một lần nữa chứng minh rằng, trái vải thiều Việt Nam luôn được khách hàng thế giới ưa chuộng, và các DN trong nước ngày càng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường, mà EU là một ví dụ.

Ông Chung Trí Phong – Tổng Giám đốc Pacific Foods cho biết, DN chung tay với nhà quản lý tìm kiếm và kết nối, xuất khẩu vải thiều Thanh Hà sang thị trường EU- hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản.

“Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Chúng tôi cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao” – ông Phong nói.

Không chỉ trái vải, những sản phẩm trái cây nhiệt đới như thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… cũng rất được người tiêu dùng Châu Âu ưa chuộng. Đây chính là cơ hội lớn cho các hàng hóa nông sản của Việt Nam giành thị phần tại thị trường Châu Âu. Tất nhiên, để có thể nắm bắt cơ hội đó và vững chân tại thị trường này, theo vị này, vấn đề đầu tiên là phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, không có dư lượng kháng sinh, trồng theo tiêu chuẩn Global gab, Vietgab và Organic.

Nguồn: http://daidoanket.vn/nong-san-viet-tiep-tuc-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-5653496.html

Leave Comments

0901 077 897
0901077897